Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Song song với việc được thụ hưởng nhiều lợi ích của Chuyển đổi số trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thì việc làm sao để vận dụng lợi ích của chuyển đổi số một cách an toàn, có hiệu quả thì không phải là điều đơn giản. Trong chuyên mục tuyên truyền chuyển đổi số hôm nay, xin gửi tới toàn thể Nhân dân chuyên đề “Làm sao để an toàn trong môi trường số”.
Làm sao để an toàn trong môi trường số?
Từ xưa đến nay, chưa có môi trường sống nào là an toàn cả, đó là bản chất của cuộc sống. Chúng ta sống trong thế giới thực đã hàng chục nghìn năm, thể chế, pháp luật và bộ máy nhà nước ngày càng hoàn thiện nhưng những nguy cơ, những tiềm ẩn vẫn luôn rình rập quanh ta, vẫn có trộm cắp, vẫn có giết người, vẫn còn vô vàn những vấn đề xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta.
Chuyển đổi số tạo ra một không gian mới, gọi là không gian mạng hoặc môi trường số. Cuộc sống của chúng ta đã và đang cuốn vào môi trường số rất nhanh, nhanh hơn so với hệ thống pháp luật. Vì vậy các nguy cơ trên môi trường số là không nhỏ. Nhưng hệ thống pháp luật của chúng ta và các nước trên thế giới đang dần hoàn thiện trên môi trường số để cùng bắt kịp nhịp độ phát triển của môi trường số.
Ngoài hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện, thì việc chúng ta tự trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản để sinh sống an toàn trong môi trường mạng là điều vô cùng cần thiết. Mỗi người dân phải tự có ý thức bảo vệ mình trong môi trường số như bảo vệ mình trong môi trường thực, bảo vệ tài sản vô hình của mình, chẳng hạn như thông tin cá nhân như bảo vệ tài sản hữu hình (xe máy, điện thoạị, tiền bạc….) khác.
Gắn với môi trường số, môi trường mạng thì chiếc điện thoại của chúng ta trở thành vật bất ly thân với nhiều người, chúng ta sử dụng nó gần như mọi lúc, mọi nơi. Với cuộc sống của chúng ta bây giờ, đôi lúc chỉ cần chiếc điện thoại thì mọi vấn đề chúng ta đều có thể giải quyết: Ra đường bạn không cần mạng theo giấy tờ, không cần mang theo tiền mặt, không cần phương tiện… miễn sao chỉ cần có điện thoại thông minh được kết nối với Internet, nhưng đồng thời nó cũng là con dao hai mặt, là điểm yếu nhất…
Điện thoại thông minh đã trơ thành gián điệp như thế nào?
Điện thoại thông minh với vô vàn những tiện ích kèm theo, như: Camera chụp hình, microphone, xác định vị trí, kết nối mạng không dây và nhiều chức năng khác. Sự riêng tư, bảo mật không phải là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các nhà sản xuất bởi sự tiện lợi và giá thành cạnh tranh là vấn đề họ quan tâm đầu tiên. Chính tất cả điều đó đã biến những chiếc điện thoại thông minh trở thành những thiết bị vô cùng lý tưởng để nghe lén, theo dõi, lấy vị trí, dữ liệu riêng tư, thậm chí mạo danh để nhắn tới các điện thoại khác. Và nếu một ai đó đã khống chế được chiếc điện thoại thông minh của bạn, có thể người đó còn hiểu về bạn hơn chính bạn.
Hình thành kỹ năng sử dụng không gian mạng an toàn là điều vô cùng quan trọng trong thời đại Chuyển đổi số hiện nay
Các Hacker xâm nhập vào điện thoại thông minh bằng cách nào?
Nói đến Hácker là nói đến nỗi sợ hãi của tất thảy những người dùng điện thoại, thiết bị thông minh cũng như mạng xã hội. Có nhiều cách dễ đến khó được các hacker sử dụng để xâm nhập vào điện thoại thông minh của bạn. Dễ nhất, không cần có trình độ công nghệ, mà chỉ cần có mánh khoé lừa đảo, giả mạo. Các Hacker có thể thu thập thông tin công khai trên mạng xã hội để xây dựng các nội dung lừa đảo với thông tin tin cậy dành cho mỗi cá nhân. Cao cấp hơn, các hacker có thể tạo ra các phần mềm, có thể là phần mềm độc hại hoặc là một ứng dụng thông thường như ứng dụng xem phim, nghe nhạc. Hay cao cấp hơn nữa, các hacker chuyên nghiệp sẽ công khai tấn công các lỗ hổng, điểm yếu của điện thoại hoặc các ứng dụng chính thống để từ đó xâm nhập.
Các dấu hiệu nào cho thấy điện thoại thông minh của bạn đã bị “hack”?
Điện thoại thường xuyên bị nóng dù không sử dụng, pin của điện thoại bị hao hụt thường xuyên hay giảm tuổi thọ mặc dù ít sử dụng; điện thoại bỗng nhiên bị treo, hoặc tạm dừng, hoặc ứng dụng thường xuyên bị tắt đột ngột, thẩm chí đôi khi điện thoại bị tắt khởi động lại. Dữ liệu sử dụng hàng tháng cao hơn nhu cầu hoặc bỗng nhiên tăng đột biến, dẫn đến cước phí dữ liệu phải trả tăng cao. Ứng dụng lạ bỗng xuất hiện, không phải do mình cài, rất có thể đây là một phần độc hại hoặc phần mềm gián điệp.
Các cá nhân nên thận trọng trong việc chia sẻ thông tin cá nhân của mình, người thân trên các ứng dụng mạng xã hội để hạn chế tối đa các rủi ro từ môi trường số
Và đảm bảo an toàn mạng là một việc cũng vô cùng đơn giản như việc bạn rửa tay bằng xà phòng.
Việc sử dụng môi trường số, mạng an toàn cũng vô cùng đơn giản. Chỉ cần ý thức và thói quen đúng, mỗi người đã tự có thể bảo vệ mình, hạn chế đến 80% nguy cơ, rủi ro, 20% còn lại thì chỉ những kẻ tấn công chuyên nghiệp, bỏ ra một nguồn lực rất lớn mới có thể đe doạ được.
Mỗi người hãy tự hiểu rõ các ứng dụng mà mình đã cài đặt trên điện thoại thông minh của mình như chính từng bộ phận trên cơ thể mình. Điện thoại thông minh cho phép người dùng kiểm soát, cấp quyền cho từng ứng dụng theo nhu cầu chức năng sử dụng.
1. Bạn hãy xoá các ứng dụng mà mình không dùng đến, tự mình phân quyền cho các ứng dụng một cách hợp lý.
2. Hãy chỉ cài đặt ứng dụng từ các kho chính thức, với Iphone là Apple Store, với các điện thoại dùng Android là Google Play Store. Hạn chế tối đa việc cài các ứng dụng trôi nổi không rõ nguồn gốc.
3. Hãy thiết lập cho mình mật khẩu mạnh khi sử dụng điện thoại và các ứng dụng (dùng các ký tự đặc biệt ví dụ như dấu (.), (@), (&)… khi thiết lập mật khẩu, hạn chế dùng ngày, tháng, năm sinh của bạn và người thân khi thiết lập mật khẩu); hãy luôn cập nhất phiên bản mới nhất của hệ điều hành và ứng dụng.
4. Hãy cài đặt các ứng dụng bảo mật cho chiếc điện thoại thông minh của bạn , giống như trang bị thêm khoá cho tài sản của mình. Việt Nam chúng ta cũng có những ứng dụng rất tốt, chẳng hạn như phần mềm bảo mật điện thoại thông minh của BKAV, CMC hay Viettel.
5. Khi phát hiện điện thoại của bạn gặp sự cố, hoặc khi môi trường số của bạn đang bị đe doạ hãy liên hệ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông để được tư vấn, hỗ trợ.
Địa chỉ trực tuyến tư vấn, hỗ trợ cho người dân tại: https://khonggianmang.vn
BBT trang TTĐT phường