Kính thưa quý vị!
Vào lúc 9h00 sáng ngày 10/5/1965, nhân sinh nhật lần thứ 75, Bác Hồ viết bản Di chúc với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật”. Bản di chúc này gồm 3 trang, hoàn thành vào ngày 15/5/1965. Bản Di chúc của Người được viết lại, bổ sung vào các năm: 1968, ngày 10/5/1969, từ ngày 11-19/5/1969. Đúng 10h00 ngày 19/5/1969, sinh nhật lần thứ 79 của Bác, Bác đã đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó, xếp tất cả bỏ vào phong bì thư rồi cất đi.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố lần đầu tiên tại Lễ tang của Người vào tháng 9/1969, gồm 4 trang in khổ 14,5x22 cm. Ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TƯ về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định: Di chúc được công bố vào tháng 9/1969 đảm bảo trung thành với bản gốc của Người.
Trước đó, vì một số lý do nhất định, một số vấn đề trong bản di chúc chưa được công bố, như: Việc căn dặn của Người về hỏa táng thi hài; việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi… Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990), Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản Di chúc của Người.
Kính thưa quý vị! Người đã đi xa, nhưng 55 năm qua, bản di chúc của Người vẫn còn nguyên giá trị, mãi soi đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam, là kim chỉ nam để Toàn Đảng, toàn Quân và toàn Dân ta phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng và văn minh.
Bản di chúc của Người có giá trị vô cùng quý giá. Đó là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng.
Trong bản Di chúc Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ Nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và Nhân dân; là tấm lngf thủy chung với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.
Bản di chúc của Người là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Bác khẳng định: “Đảng ta là Đảng cầm quyền”, để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với Nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.
Di chúc nêu ra những ván đề cốt yếu trong công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tặc phê bình và tự phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ Nhân dân của mỗi cán bộ đảng viên.
Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cần chăm lo phát triển lực lượng hiện tại và tương lai, vừa “hồng” vừa “chuyên” để thực hiện thành công xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển, tiến bộ và văn minh. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” – đó là bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bác còn căn dặn: Cách mạng Việt Nam là một phần của cách mạng thế giới, không thể tách rời cách mạng thế giới.
Di chúc là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác – lê nin vào hoàn cảnh Việt Nam, mối quan hệ giữa công bằng và tiến bộ xã hội, tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa trong xây dựng xã hội mới, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại… Di chúc như một kế hoạch, chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Bản di chúc đề cập sâu sắc đến vấn đề văn hóa, chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Di chúc còn phác thảo những vấn quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Người yêu cầu Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.
Kính thưa toàn thể Nhân dân!
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dugn cơ bản, cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam hôm nay và mai sau.
Các bài học qua 55 năm thục hiện Di chúc vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục phát huy trong giai đoạn cách mạng mới. Đó là bài học về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng, bài học về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; bài học về sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước; bài học về chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân; bài học về tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng.
Kính thưa quý vị! 55 năm thực hiện di chúc của Người, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đạt được những thành tựu nhất định. Đó là thành tựu về giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thành tựu về kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bước đầu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc Nhân dân. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tịc với tốc độ tương đối cao, với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 40 năm qua đtạ gần 7% mỗi năm. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD). Từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đảm bảo được an ninh lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều loại nông sản đứng đầu thế giới. Tổng ki, nghạch xuất khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỉ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đầu tư nước ngoài liên tục phát triển, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hành đầu ASEAN về thu hút FDI. Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện hoa các mục tiêu thiên niên kỷ.
Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; 99% người dân biết đọc, biết viết. Các chính sách ASXH được Đảng, Nhà nước quan tâm: Chính sách xóa đói giảm nghèo, các chương trình phát triển vùng dân tộc, thiểu số và miền núi; chính sách BHYT, BHXH. Khống chế và loại bỏ thành công nhiều loai dịch bệnh nguy hiểm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm mạnh. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023.
Thành tựu trong xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đảng và toàn xã hội. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được đẩy mạnh, được tổng kết qua các thời kỳ. Công tác phòng, chống tham những, tiêu cực, đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị cao, đạt được nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh gái cao; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhan dân đối với Đảng, Nhà nước.
Thành tựu về chăm lo, xây dựng đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Thực hiện di chúc của Người, Đảng luôn quan tâm chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đây là lực lượng kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng.
Công cuộc đổi mới đất nước đã xây dựng được thế hệ thanh niên thời kỳ mới có đạo đức, nhân cách, tri thức, sữ khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo; nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; không ngại khó khăn gian khổ, tình nguyện vì cộng đồng; học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; mong muốn được tin tưởng, được cống hiến cho đất nước; luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tiền đồ phát triển của đất nước; đấu tranh chống lại sự chống phá của thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Thành tựu về xây dựng tinh thần quốc tế vô sản chân chính, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế đất nước trong hội nhập quốc tế. Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lý luận và chính sách “ngoại giao cây tre” đã tạo bước ngoặt có tính lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác lớn, tạo nên vị thể, uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường Quốc tế.
Kính thưa toàn thể Nhân dân!
Phát huy thành tựu 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chăm lo bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; tăng cường đoàn kết quốc tế, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và năm 2030, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.
Kính thưa toàn thể Nhân dân! Kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa và thực hiện Di chúc của Người là dịp để mỗi cán bộ, Đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo toàn dân tộc đoàn kết “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như ý nguyện của Người!
BBT trang TTĐT phường